img
Thông báo
Sắp bắt đầu năm học mới, lớp hiện tại của bạn đang là lớp {{gradeId}}, bạn có muốn thay đổi lớp không?
img

Soạn bài Thu điếu| Văn 8 tập 1 kết nối tri thức

Tác giả Hoàng Uyên 10:11 20/03/2024 9,375 Tag Lớp 8

Tác phẩm Thu điếu là một trong những bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Khuyến. Cùng VUIHOC theo dõi Soạn bài Thu điếu sách Ngữ văn 8 tập 1 Chân trời sáng tạo dưới đây để khám phá vẻ đẹp thơ mộng êm ả của mùa thu nơi miền quê phía Bắc và khám phá tâm sự, suy tư mà tác giả gửi gắm vào bài thơ.

Soạn bài Thu điếu| Văn 8 tập 1 kết nối tri thức
Mục lục bài viết
{{ section?.element?.title }}
{{ item?.title }}
Mục lục bài viết x
{{section?.element?.title}}
{{item?.title}}

1. Soạn bài Thu điếu văn 8 tập 1 kết nối tri thức: Trước khi đọc 

Câu hỏi (trang 40, SGK Ngữ văn 8, tập 1): Em yêu thích mùa nào trong năm? Liệt kê một số từ ngữ em muốn dùng để miêu tả vẻ đẹp của mùa đó.

Trả lời:

Mùa mà em thích nhất trong năm là mùa thu. 

Vào thu là lúc người nông dân gặt những hạt thóc trên cánh đồng lúa chín vàng ươm. Vào vụ mùa, khắp nơi đều được nhuộm vàng: màu vàng của lúa chín, màu vàng của rơm rạ, rồi màu vàng của mái lá tranh đơn sơ nhỏ nhắn. Nắng thu chiếu xuống mọi ngóc ngách với những con đường rơm phơi vàng ươm nơi làng quê yên ả. Mùa thu cũng là mùa nở rộ của những thức quà quê hương. Hoa ổi trắng, quả ổi chín mọng,hương ổi thơm phả vào trong gió. Cảnh vật trời thu vùng quê yên bình đến lạ. Mùa thu là sự chuyển giao của đất trời cuối hạ đầu đông. Nó mang nét đẹp của cả hai mùa theo một cách thật dịu dàng: những tia nắng, những cơn gió se se. Tất cả đã tạo nên một mùa thu mát mẻ – một tiết trời đẹp của khí hậu miền Bắc Việt Nam.

2. Soạn bài Thu điếu văn 8 tập 1 kết nối tri thức: Đọc văn bản

2.1 Hình dáng, màu sắc, âm thanh, chuyển động của sự vật.

Trả lời:

- Cảnh sắc mùa thu vừa trong vừa tình. Ao nước trong tưởng chừng có thể nhìn thấu đáy (trong veo), sóng nhè nhẹ biêng biếc phản chiếu lại câu cỏ, màu trời, ít mây nên càng nổi bật màu xanh ngắt. Tĩnh: mặt ao tĩnh lặng, cái lạnh thường hay sóng đôi với cái lặng, sóng hơi gợn (sóng gợn tí), gió khẽ đung đưa lá vàng, vắng khách, tiếng cá đớp trên mặt nước bỗng nghe mơ hồ như có như không.

- Đây là cảnh thu đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ. Các chi tiết miêu tả trong bài đều giàu tính hiện thực, không mang những từ ngữ hoa mỹ nhưng vẫn có thể khơi gợi những cảm xúc sâu lắng về quê hương.

- Dưới ngòi bút điêu luyện của tác giả, tất cả các sự vật được đề cập tới đều tương xứng với nhau: ao thu nhỏ - thuyền câu bé, trời xanh - nước trong, gió nhẹ - sóng gợn tí, khách vắng teo - người ngồi câu trầm ngâm yên lặng, đặc biệt là các mảng xanh của nước, của tre trúc hòa quyện một cách thật hài hòa với màu xanh của bầu trời.

- Từ láy được sử dụng trong bài chẳng những tạo ra vẻ thuần Nôm cho tác phẩm mà còn có làm tăng nhạc tính. Từ láy vừa có tác dụng mô phỏng dáng dấp, động thái của sự vật, làm cho sự vật hiện lên một cách sống động, vừa hàm ý chỉ những biến đổi tinh vi trong cảm xúc chủ quan của mình: lạnh lẽo, tẻo teo, lơ lửng. Lạnh lẽo ngoài việc mô tả cái lạnh của nước mà ẩn chứa không khí đượm vẻ đìu hiu của cảnh vật cũng như tình cảnh đang một mình của nhà thơ. “Tẻo teo” có thể được hiểu là rất nhỏ, âm “eo” được lặp lại gợi lên hình ảnh về một "đối tượng" như đang co dần về mặt diện tích, phù hợp với cái nhìn của tác giả muốn thu mọi vật trong tầm mắt. Lơ lửng vừa dùng để mô tả hình ảnh đám mây lưng chừng giữa tầng không, vừa gợi lên trạng thái mơ màng của nhà thơ.

2.2 Những hình ảnh thể hiện cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ.

Trả lời:

Câu thơ chứa hình ảnh bộc lộ cảm xúc, tâm trạng của tác giả là hai câu thơ cuối của bài:

“Tựa gối buông cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

Hình ảnh con người hiện lên:

+ Một tâm thế nhàn: “Tựa gối ôm cần”

+ Một sự chờ đợi: “Lâu chẳng được”.

+ Một cái chợt tỉnh mơ hồ: “Cá đâu đớp động”.

Qua đó, em cảm nhận ở Nguyễn Khuyến một tâm hồn gắn bó sâu sắc với thiên nhiên đất nước, một tấm lòng yêu nước, lo lắng cho đất nước một cách thầm lặng nhưng không kém phần sâu sắc.  Đó là nỗi lòng non nước, nỗi lòng thời thế của một nhà nho, nhà tri thức có lòng tự trọng và lòng yêu quê hương đất nước như Nguyễn Khuyến.

>> Xem thêm: Soạn văn 8 kết nối tri thức

3. Soạn bài Thu điếu văn 8 tập 1 kết nối tri thức: Sau khi đọc 

3.1 Câu 1 trang 41 SGK văn 8/1 kết nối tri thức:

Chỉ ra đặc điểm thi luật (bố cục, niêm, luật bằng trắc, vần, nhịp, đối) của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật được thể hiện trong bài thơ Thu điếu. 

Trả lời:

Có 2 cách chia bố cục của bài thơ:

  • Cách 1:  Bố cục: 2 phần

+ Phần 1 (6 câu thơ đầu): Cảnh vật vào mùa thu ở vùng quê Bắc bộ.

+ Phần 2 (2 câu thơ cuối): Hình ảnh và tâm trạng của nhân vật trữ tình.

  • Cách 2: Bố cục: 4 phần

+ Hai câu đề: Cảnh vật vào mùa thu.

+ Hai câu thực: Những chuyển động chậm rãi, nhẹ nhàng của mùa thu.

+ Hai câu luận: Bầu trời và không gian của làng quê.

+ Hai câu kết: Tâm trạng của nhà thơ

Về niêm: Chữ thứ hai của câu thơ thứ 2 và 3 (chiếc – biếc), câu thơ thứ 4 và câu 5 (vàng – mây), câu thơ thứ 6 và 7 (trúc – gối), câu thơ thứ 1 và 8 (thu – đâu) cùng thanh.

Về luật bằng trắc: Bài thơ tuân theo luật bằng. (Do chữ thứ 2 trong câu thơ thứ nhất “thu” có thanh bằng).

Vần và nhịp: Bài thơ gieo vần “eo” ở các chữ cuối của các câu thơ thứ 1, 2, 4, 6, 8 (veo – teo – vèo – teo – bèo) và nhịp chủ yếu là nhịp 4/3.

Về đối: Đối ở 2 câu thực (câu thơ thứ 3,4) và 2 câu luận (câu thơ thứ 5,6)

3.2 Câu 2 trang 41 SGK văn 8/1 kết nối tri thức:

Giải thích ý nghĩa của nhan đề bài thơ. Chỉ ra mối liên hệ giữa nhan đề và hai câu đề.

Trả lời:

- Nhan đề “Thu điếu”: “Thu điếu” mang nghĩa “Câu cá mùa thu”. Việc câu cá chẳng qua chỉ là cái cớ, cái chỗ để nói đến và thưởng thức mùa thu mà thôi. Mùa thu vốn đã đẹp, nhưng cảnh thu ngắm từ vị trí người câu cá ở vùng quê, thưởng thức từ tâm trạng người đi câu, lại có một cái đẹp, cái thú rất riêng.

- Mối liên hệ giữa nhan đề và hai câu đề: Hai câu đề triển khai ẩn ý chứa trong nhan đề, miêu tả không gian thu với cảnh sắc rất giản dị, mộc mạc mang nét đặc trưng của khí thu, chất thu của làng quê Bắc Bộ.

3.3 Câu 3 trang 41 SGK văn 8/1 kết nối tri thức:

Bức tranh thiên nhiên mùa thu được tái hiện ở những khoảng không gian nào? Nhận xét về trình tự miêu tả những khoảng không gian đó.

Trả lời: 

Không gian: tĩnh lặng, phảng phất buồn:

+ Cảnh thu đẹp nhưng tĩnh lặng và man mác nỗi buồn: nước “trong veo”, không gian tĩnh, vắng người, ngõ trúc quanh co.

+ Mọi vật chuyển động một cách rất nhẹ, rất khẽ, không đủ tạo ra âm thanh

+ Đặc biệt một tiếng động duy nhất ở câu thơ cuối bài: "Cá đâu đớp động dưới chân bèo" → Tiếng động này không những không phá vỡ cái tĩnh lặng, mà ngược lại còn càng làm tăng thêm sự yên ắng, tĩnh mịch của cảnh vật → Thủ pháp lấy động nói tĩnh được tác giả sử dụng một cách rất tài tình và điêu luyện.

→ Bài thơ làm nổi bật lên một không gian cô quạnh cùng nỗi uẩn khúc trong tâm hồn nhà thơ. Nội dung bài thơ nói về chuyện câu cá nhưng thực chất người đi câu không chú ý gì đến việc câu cá. Tâm sự vướng bận trong lòng người đi câu lại chính là nỗi lòng non nước, nỗi lòng thời thế của một nhà nho, một nhà tri thức có lòng tự trọng và tình yêu quê hương đất nước thầm kín nhưng rất sâu sắc như Nguyễn Khuyến. 

3.4 Câu 4 trang 41 SGK văn 8/1 kết nối tri thức:

Phân tích các từ ngữ miêu tả hình dáng, màu sắc, âm thanh, chuyển động,… của các sự vật; từ đó hãy khái quát những nét đẹp điển hình của mùa thu vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ được tái hiện trong bài thơ.

Trả lời:

Ao thu: lạnh lẽo, trong veo – gợi lên tiết trời se lạnh, mặt nước yên ắng, làn nước trong suốt, như có thể nhìn thấu xuống đáy; thuyền câu: bé tẻo teo – sử dụng từ láy tượng hình, nhấn mạnh vào sự bé nhỏ của con thuyền giữa mặt nước chỉ như chiếc lá đậu trên mặt ao thu. Không gian của ao thu kết hợp với hình dáng thuyền câu toát lên nét bình dị, hài hòa.

- Bầu trời: màu xanh ngắt đặc trưng của tiết trời thu miền Bắc, trên nền trời cao rộng trong trẻo nắng thu đẹp dịu dàng; mây lơ lửng toát lên vẻ bình yên, thanh tĩnh. Màu xanh là hòa quyện của rất nhiều thứ: của trời thu (xanh ngắt), của mặt nước mùa thu (sóng biếc) kết hợp với màu vàng điểm xuyết của lá thu (lá vàng),… vẽ nên một bức tranh thiên nhiên mùa thu tươi sáng và đầy ấn tượng.

- Ngõ trúc: là không gian quen thuộc của làng quê Bắc Bộ- một lối ngõ nhỏ, quanh co, càng làm khung cảnh thêm im vắng, tĩnh lặng.

- Chuyển động của các sự vật trong khung cảnh đều rất nhẹ, khẽ khàng: sóng nhẹ lăn tăn “hơi gợn tí” theo làn gió nhẹ; lá “khẽ đưa vèo” – rơi rất nhanh, nhẹ và êm; những đám mây lơ lửng giữa trời. Âm thanh: tiếng cá “đớp động dưới chân bèo” phát ra từ đâu đó trên mặt nước ao thu.

→ Những nét đẹp điển hình của quang cảnh mùa thu vùng nông thôn Bắc Bộ được tái hiện hoàn chỉnh trong bài thơ: không khí mát lành; trời thu cao rộng, trong xanh; không gian êm ả; cảnh sắc hòa quyện, đậm chất thơ…

3.5 Câu 5 trang 41 SGK văn 8/1 kết nối tri thức:

Ở hai câu kết, hình ảnh con người hiện lên trong tư thế, trạng thái như thế nào? Qua đó, em cảm nhận được nỗi niềm tâm sự gì của tác giả?

Trả lời:

Tác giả đã hòa vào cùng với trời thu, cảnh thu. Phải có tình yêu thiên nhiên, đất nước sâu sắc, tác giả mới vẽ nên được một bức tranh thiên nhiên phong cảnh mùa thu với màu sắc sinh động và tươi sáng, mang một nét đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ. Đặc biệt, hai câu thơ cuối thể hiện tâm tư, nỗi niềm của nhà thơ:

“Tựa gối buông cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo”

→ Tác giả mượn câu chuyện đi câu cá để gợi lên những ưu tư, suy ngẫm về chuyện dân, chuyện nước, về chuyện nhân tình thế thái. Tác giả tuy đã lui về ở ẩn nhưng tấm lòng vẫn luôn hướng về chuyện dân chuyện nước, vẫn nặng lòng với thời cuộc.

3.6 Câu 6 trang 41 SGK văn 8/1 kết nối tri thức:

Nêu chủ đề của bài thơ. Chủ đề ấy giúp em hiểu thêm điều gì về tâm hồn tác giả?

Trả lời:

- Chủ đề: Qua bài thơ Thu điếu, Nguyễn Khuyến thể hiện sự cảm nhận tinh tế về vẻ đẹp thiên nhiên vào mùa thu đất Bắc và tình cảm gắn bó thiết tha với quê hương; qua đó bày tỏ nỗi lòng ưu tư trước thời cuộc.

- Cảm nhận về tâm hồn tác giả: Tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, chan hòa với thiên nhiên; tình yêu và sự trân trọng cuộc sống bình dị nơi thôn quê; tâm sự sâu kín của tác giả khi dẫu đã tìm về cuộc sống ẩn dật vẫn không buông bỏ nỗi buồn thời thế,…

4. Kết nối đọc viết trang 41 SGK văn 8/1 kết nối tri thức

Câu hỏi (trang 41, SGK Ngữ văn 8, tập 1): Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) phân tích hai câu thơ khiến em có ấn tượng nhất trong bài thơ Thu điếu.

Trả lời:

Bài tham khảo:

Chỉ bằng hai câu thơ mở đầu trong bài thơ Thu điếu Nguyễn Khuyến đã thành công làm gợi ra trước mắt người đọc một không gian yên bình, nhỏ bé nơi làng quê Việt Nam:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.”

Nguyễn Khuyến đã khắc họa nên bức tranh mùa thu dịu dàng chỉ bằng hai hình ảnh “ao thu” và “chiếc thuyền câu bé tẻo teo”. Hai hình ảnh này tuy đối lập lại nhưng trong câu thơ lại cân đối hài hoà. Màu “trong veo” thể hiện sự dịu nhẹ, êm đềm của mùa thu miền Bắc. Hình ảnh “chiếc thuyền câu bé tẻo teo” là chiếc thuyền vô cùng mỏng manh, nhỏ bé trôi giữa không gian mặt nước rộng lớn. Nguyễn Khuyến còn dùng cách gieo vần “eo” một cách rất tài tình và giàu tính gợi hình, gợi cảm, tạo cảm giác một không gian như đang co nhỏ, thu hẹp lại. Không chỉ có vậy, tác giả còn phóng tầm mắt lên mặt ao và cả không gian quanh ao, làm hiện lên không gian mùa thu với tiết trời se lạnh, yên bình, mặt nước trong trẻo đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Chỉ qua hai câu thơ đầu, những rung cảm trong tâm hồn thi sĩ trước cảnh đẹp mùa thu động lòng của tiết trời mùa thu được hiện lên rõ rệt, gợi cảm giác bình yên nơi trái tim thi vị giàu tình cảm của tác giả.

 

Trên đây VUIHOC đã cùng các bạn Soạn bài Thu điếu sách Ngữ văn 8 tập 1 Kết nối tri thức. Để học nhiều hơn các kiến thức của môn Ngữ văn cũng như các môn học, các em hãy nhanh tay truy cập và website vuihoc.vn hoặc đăng ký khoá học với các thầy cô giáo của VUIHOC ngay bây giờ nhé!

>> Mời bạn tham khảo thêm: 

 

Banner after post bài viết tag lớp 8
| đánh giá
Bình luận
  • {{comment.create_date | formatDate}}

VNESCHOOL là nền tảng cung cấp các khoá học online, chất lượng cao cho học sinh tiểu học và THCS. Chúng tôi cam kết mang tới cho học sinh trải nghiệm học đầy hào hứng và hiệu quả, giúp học sinh hiểu sâu, nắm chắc chương trình học trên lớp và đạt điểm cao trong các kì thi. Đồng thời chúng tôi cung cấp công cụ báo cáo cá nhân hoá nhằm hỗ trợ phụ huynh theo dõi sát sao và hiểu được năng lực của con trong quá trình học tập.


Địa chỉ: Tầng 1, Toà nhà Rivera Park , số 69 Vũ Trọng Phụng, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Hotline: 0914890900