img
Thông báo
Sắp bắt đầu năm học mới, lớp hiện tại của bạn đang là lớp {{gradeId}}, bạn có muốn thay đổi lớp không?
img

Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học trang 37 | Văn 8 tập 2 Chân trời sáng tạo

Tác giả Hoàng Uyên 09:02 23/02/2024 28,893 Tag Lớp 8

Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học là hướng dẫn chi tiết giúp học sinh tiếp cận và chinh phục kỹ năng phân tích tác phẩm văn học. Dưới đây, VUIHOC sẽ cung cấp tài liệu Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học trang 37 | Văn 8 tập 2 rất cần thiết và hữu ích. Mời các bạn học sinh tham khảo.

Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học trang 37 | Văn 8 tập 2 Chân trời sáng tạo
Mục lục bài viết
{{ section?.element?.title }}
{{ item?.title }}
Mục lục bài viết x
{{section?.element?.title}}
{{item?.title}}

1. Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học trang 37 sách văn 8 tập 2 chân trời sáng tạo: Hướng dẫn

1.1 Bài văn phân tích tác phẩm văn học nào?

Bài văn đã phân tích tác phẩm Gió lạnh đầu mùa của nhà văn Thạch Lam

1.2 Phần mở bài nêu những nội dung gì?

Nội dung của phần mở bài gồm có:

- Giới thiệu tác giả và tác phẩm văn học

- Khái quát về đặc sắc của chủ đề nội dung và nghệ thuật của tác phẩm văn học.

1.3 Phần thân bài có mấy luận điểm? Người viết đã sử dụng những lý lẽ, bằng chứng nào để làm sáng tỏ các luận điểm đó?

Phần thân bài có 2 luận điểm rõ rệt:

- Luận điểm 1: Chủ đề của truyện: Tình người được thể hiện trong cảnh những đứa trẻ chơi đùa vui vẻ mà không phân biệt hoàn cảnh giàu nghèo.

- Luận điểm 2: Đặc sắc của nghệ thuật

+ Cốt truyện và tình huống truyện: Sự việc 2 đứa trẻ nhà khá giả động lòng thương và mang cho một người bạn khó khăn chiếc áo mùa rét vô cùng bình dị, tự nhiên chứ không phải là những xung đột gay gắt, hay sự việc lì kì.

+ Miêu tả nội tâm của nhân vật: Sơn cảm nhận được những biến chuyển dù nhỏ nhất của thiên nhiên: “chân trời trong hơn mọi hôm, những làng ở xa, Sơn thấy rõ như ở gần”. Tấm lòng nhân hậu đã giúp Sơn nhận ra được rằng những đứa trẻ nhà nghèo hôm nay “môi chúng tím lại và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi”…

+ Chi tiết đặc sắc: Lời nói của mẹ ở cuối truyện “Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta mà không sợ mẹ mắng ư”.

1.4 Phần kết bài có mấy ý?

Phần kết của bài có 2 ý:

- Ý kiến về chủ đề và giá trị của một vài nét đặc sắc nghệ thuật.

- Cảm xúc của bản thân mình về tác phẩm.

1.5 Người viết đã sử dụng các phương diện liên kết nào để giúp người đọc nhận ra mạch lập luận của bài viết?

Người viết đã sử dụng các luận điểm, luận cứ, lý lẽ và các dẫn chứng cụ thể để người đọc có thể dễ dàng nhận ra mạch lập luận của bài viết.

>> Xem thêm: Soạn văn 8 Chân trời sáng tạo

2. Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học trang 37 sách văn 8 tập 2 chân trời sáng tạo: Thực hành viết 

Đề bài: Viết bài văn phân tích một tác phẩm truyện mà em yêu thích

2.1 Bài tham khảo 1: Chữ người tử tù- Nguyễn Tuân

Nguyễn Tuân được đánh giá là một nhà văn lớn và là một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp, ông có vị trí và ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nền văn học Việt Nam. Trước cách mạng ông thoát li hiện thực để tìm về một thời vang bóng, chính bởi vậy, tập “Vang bóng một thời” là tập truyện tiêu biểu nhất cho phong cách của Nguyễn Tuân trước cách mạng. Trong đó, ta không thể không nhắc đến tác phẩm “Chữ người tử tù” với niềm trân trọng thú viết chữ tao nhã, truyền thống.

“Chữ người tử tù” được in trong tập “Vang bóng một thời” và xuất bản năm 1940, khi xuất hiện trên tạp chí Tao đàn, tác phẩm có tên là “Dòng chữ cuối cùng”, sau được in thành sách đổi tên thành “Chữ người tử tù”. Đây là một tác phẩm đã truyền tải đầy đủ tinh thần của tác giả Nguyễn Tuân, cũng như giá trị nhân văn của tác phẩm. “Chữ” chính là hiện thân của cái đẹp, cái tài sáng tạo ra cái đẹp, cần được tôn vinh và ngợi ca. “Người tử tù” là đại diện cho cái xấu, cái ác, những thứ cần phải loại bỏ ra khỏi xã hội. Ngay từ nhan đề của bài  đã chứa đựng những mâu thuẫn gợi ra một tình huống truyện éo le, gợi nên sự tò mò của người đọc. Qua đó đã làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm: tôn vinh cái tài, cái đẹp, đồng thời khẳng định sự bất tử của cái đẹp trong cuộc đời.

Truyện ngắn Chữ người tử tù có tình huống gặp gỡ hết sức độc đáo, lạ lẫm, chúng diễn ra ở hoàn cảnh trong nhà tù, vào những ngày cuối cùng của người tử tù Huấn Cao, ông là một người mang chí lớn và tài năng lớn nhưng lại không gặp thời. Vị thế xã hội của hai nhân vật trong truyện cũng có nhiều đối nghịch. Huấn Cao là một kẻ tử từ, muốn lật đổ trật tự xã hội đương thời. Còn viên quản ngục là người đứng đầu trại giam tỉnh Sơn, đại diện cho bên luật lệ, trật tự xã hội đương thời. Nhưng ở phương diện nghệ thuật, vị thế của họ lại đảo ngược với nhau hoàn toàn: Huấn Cao là người có tài năng viết thư pháp, người sáng tạo ra cái đẹp, còn viên quản ngục lại là người yêu và trân trọng cái đẹp và cũng là người sáng tạo ra cái đẹp. Đó là một mối quan hệ gắn bó khăng khít chặt chẽ với nhau. Với tình huống truyện vô cùng độc đáo, đã giúp câu chuyện phát triển một cách logic, hợp lý đẩy lên đến cao trào. Qua đó tác giả đã làm bộc lộ tính cách nhân vật và làm nổi bật chủ đề của truyện đó là sự bất tử của cái đẹp, sự chiến thắng của cái đẹp. Bên cạnh đó là sức mạnh cảm hóa của cái đẹp.

Nổi bật trong tác phẩm chính là nhân vật Huấn Cao, người có tài viết chữ đẹp và nổi tiếng ở khắp nơi: “người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp” tiếng tăm của ông khiến ai ai cũng biết đến. Cái tài của Huấn Cao còn gắn liền với khát khao, sự nể trọng của người đời. Có được chữ viết của Huấn Cao là niềm mong mỏi của bất cứ ai, được treo chữ của ông trong nhà chính là niềm vui, niềm vinh dự lớn. Cái tài của Huấn Cao không chỉ đơn giản dừng lại ở mức độ bình thường mà nó đã đạt đến độ phi thường, siêu phàm. Không chỉ tài năng mà vẻ đẹp của Huấn Cao còn là vẻ đẹp của thiên lương trong sáng: “Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”. Từ “Khoảnh” ở đây ta có thể hiểu là sự kiêu ngạo về tài năng viết chữ, bởi vì ông ý thức được giá trị của tài năng nên ông luôn tôn trọng từng con chữ mình viết ra. Mỗi chữ ông viết giống như một món quà mà thượng đế trao cho bản thân, vậy nên chỉ có thể dùng những chữ ấy để trao cho những tấm lòng trong thiên hạ. Trong đời Huấn Cao, ông không vì uy quyền mà trao chữ cho ai bao giờ: “Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Đặc biệt, tấm lòng thiên lương của Huấn Cao còn thể hiện trong việc ông đồng ý cho chữ viên quản ngục: “Ta cảm tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Thiếu chút nữa ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”, tấm lòng của ông với những con người quý trọng cái đẹp, cái tài.

Không chỉ vậy, ở Huấn Cao ta còn thấy được vẻ đẹp của một con người có nghĩa khí, khí phách hơn người. Ông là một người giỏi chữ nghĩa nhưng không đi theo lối mòn, ông dám cầm đầu một cuộc đại phản và đối đầu với triều đình. Khi bị bắt, Huấn Cao vẫn luôn giữ tư thế hiên ngang, trước lời đe dọa của tên lính áp giải tù, ông không hề để tâm, thái độ coi thường, vẫn lạnh lùng rồi chúc mũi gông đánh thuỳnh một cái xuống nền đá tảng… Cho đến khi viên quản ngục xuống tận phòng giam hỏi han ân cần, chu đáo, Huấn Cao đã tỏ ra khinh bạc đến điều: “Ngươi hỏi ta muốn gì, ta chỉ muốn có một điều, là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây”. Vào thời điểm nhận tin dữ “ngày mai vào kinh chịu án chém”, Huấn Cao vẫn bình tĩnh, mỉm cười. Và đẹp đẽ nhất có lẽ là cảnh cho chữ, cả ba vẻ đẹp của ông được hội tụ và tỏa sáng. Trên tấm vải trắng vẫn còn nguyên vẹn lần hồ, chữ Huấn Cao “vuông tươi tắn” đã nói lên hoài bão, tung hoành của một con người có khí phách. Ông không thèm để tâm đến mọi điều xung quanh mà chỉ tập trung vào việc tạo ra những nét chữ tuyệt tác. Với việc viên quản ngục xin chữ, Huấn Cao cũng hiểu ra tấm lòng ấy, trong những giây phút cuối đời ông đã viết chữ dành tặng cho viên quản ngục, dành tặng cho tấm lòng biệt nhỡn liên tài trong thiên hạ.

Viên quản ngục chính là người có số phận bi kịch. Ông vốn là người có tính cách dịu dàng, biết trọng những người ngay thẳng, nhưng lại phải chịu cảnh sống trong tù – môi trường chỉ có tàn nhẫn và sự lừa lọc. Nhân cách cao đẹp của ông đối lập hoàn toàn với hoàn cảnh sống tù đầy, bị giam hãm. Ông đã tự nhận thức về ki kịch của mình, bi kịch của sự lầm đường lạc lối khi chọn nhầm nghề. Nhưng cho dù vậy, trong quản ngục vẫn giữ được một tâm hồn cao đẹp, tâm hồn của một người nghệ sĩ. Ông luôn khao khát có được chữ của Huấn Cao để treo trong nhà, và nếu như không xin được chữ ông Huấn quả là điều đáng tiếc. Nhưng để xin được chữ của Huấn Cao là điều vô cùng khó khăn bởi bản thân ông là quản ngục, nếu có thái độ biệt nhỡn, hay xin chữ của kẻ tử tù – Huấn Cao, chắc chắn sẽ gặp tai vạ. Hơn nữa, Huấn Cao vốn dĩ “khoảnh”, không phải ai cũng cho chữ.

Trong những ngày cuối cùng của Huấn Cao, viên quản ngục có hành động bất thường, biệt nhỡn với người tử tù này. Cũng như Huấn Cao, vẻ đẹp trong tâm hồn của quản ngục được thể hiện rõ nhất ở đoạn cho chữ. Ông vừa trân trọng vừa ngưỡng mộ nên đã bất chấp tất cả để có thể tổ chức một đêm xin chữ chưa từng có. Ba con người với ba nhân cách cao đẹp chụm lại chứng kiến những nét chữ dần dần được hiện ra…, viên quản ngục khúm núm chất từng đồng tiền kẽm để đánh dấu ô chữ, với thái độ sùng kính, ngưỡng mộ cái đẹp. Trước những lời lẽ giảng giải của Huấn Cao, viên quản ngục đã chắp tay vái người tù một vái, “kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.

Tác phẩm Chữ người tử tù đã sáng tạo nên một tình huống truyện vô cùng độc đáo. Với nghệ thuật xây dựng nhân vật vô cùng đặc sắc, mỗi nhân vật mang một vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp thiên lương, khí phách và trọng đãi người tài. Đồng thời tác phẩm cũng vô cùng thành công khi tác giả Nguyễn Tuân đã gợi lên không khí cổ xưa nay chỉ còn vang bóng. Nhịp điệu câu văn chậm rãi, thong thả, góp phần phục chế lại không khí cổ xưa của truyện ngắn. Bút pháp đối lập tương phản được vận dụng thành thục, tài hoa.

Qua truyện ngắn Chữ người tử tù, nhà văn Nguyễn Tuân đã thể hiện niềm tin vào sự chiến thắng tất yếu của cái đẹp, cái thiên lương với cái xấu xa, tàn nhẫn. Đồng thời qua đó ông cũng thể hiện tấm lòng trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống, kín đáo bộc lộ lòng yêu nước. Với nghệ thuật xây dựng tình huống truyện đặc sắc, ngôn ngữ tài hoa đã góp phần tạo nên sự thành công cho tác phẩm tuyệt vời.

2.2 Bài tham khảo 2: “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng

“Những ngày thơ ấu” của nhà văn Nguyên Hồng là tập hồi kí viết về những ngày tháng tuổi thơ cay đắng và khắc nghiệt của chính tác giả - một tuổi thơ mồ côi, phải chịu bao nhiêu tủi cực, thiếu thốn. Và có lẽ, trong tác phẩm đã làm cho người đọc cảm động nhất chính là đoạn trích “Trong lòng mẹ”. Đoạn trích đã cho độc giả hiểu được tình cảnh đáng thương cùng với nỗi đau tinh thần bấy lâu của bé Hồng đồng thời là khát khao tình mẫu tử của bé.

Đoạn đầu của đoạn trích khi mà nhân vật “tôi” kể về chuyện chiếc khăn tang và tin tức về người mẹ của mình ta hiểu phần nào về hoàn cảnh của bé Hồng khi ấy. Cha thì mất, mẹ thì đi tha hương cầu thực, bé phải sống với họ hàng trong sự ghẻ lạnh. Bà cô bé Hồng, vốn dĩ không phải là một người cô hiền lành, một hôm đã gọi bé Hồng đến gợi chuyện về mẹ bé và hỏi bé có muốn vào Thanh Hóa chơi với mẹ hay không. Vốn là một đứa trẻ nhạy cảm, Hồng dường như nhận ra ngay sự ác ý trong lời nói và nụ cười giả dối rất “kịch” của bà cô. Gia đình họ nội của bé Hồng vốn đã không ưa gì mẹ bé Hồng, họ luôn tìm cách để nói xấu mẹ bé Hồng để khiến cho bé ghét chính người mẹ của mình. Có điều, cho dù họ có tiêm nhiễm vào đầu bé Hồng bao nhiêu điều xấu về mẹ đi chăng nữa thì trong tâm trí bé Hồng, hình ảnh người mẹ bé Hồng luôn hiện lên với “vẻ mặt rầu rầu và sự hiền từ”. Là một cậu bé vô cùng thông minh và yêu mẹ, Hồng tự nhủ với lòng mình “đời nào tình thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến....”. Vậy nên bé Hồng đã trả lời là không muốn vào đồng thời bé đã đưa ra niềm tin về chuyện mẹ nhất định sẽ trở về. Chỉ với một câu nói, ta có thể hiểu rằng bé Hồng không chỉ là một cậu bé thông minh, can đảm mà cậu còn rất yêu mẹ, luôn ra sức bảo vệ mẹ trước những cay nghiệt của nhà nội.

Khi bà cô nói mẹ bé Hồng có “em bé”, những lời nói của bà cô khiến cho bé Hồng đau đớn “Nước mắt tôi đã ròng ròng rớt xuống hai bên mép rồi chan hòa đầm đìa ở cằm và ở cổ”. Cả khi bà cô kể cho bé nghe về chuyện có người nào đó nhìn thấy mẹ bé Hồng “ngồi cho con bú ở một bên rổ bóng đèn”, “ăn vận rách rưới, mặt mày xanh bủng, người gầy rạc đi”, dường như nỗi đau của bé lại càng như thắt lại: “Cô tôi chưa dứt câu, cổ họng tôi đã nghẹn ứ khóc không ra tiếng. Giá những cổ tục đã đày đọa mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ lấy ngay mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kỳ nát vụn mới thôi”. Cách so sánh, liên tưởng độc đáo của tác giả đã làm nổi bật sự căm tức ghê gớm của bé Hồng đối với những cổ tục đã đày đọa mẹ bé, bé chỉ muốn làm sao có thể bóp nát nó để những đau khổ mà mẹ bé phải chịu sẽ biến mất mãi mãi.

Người đọc còn xúc động hơn khi thấy tình cảm hai mẹ con bé Hồng khi gặp được nhau. Khi mới thấy thoáng bóng ai giống như mẹ, bé Hồng đã không kìm được lòng mình mà chạy gọi theo dù biết nếu đó là nhầm lẫn sẽ là một trò cười rất xấu hổ nhưng tình yêu thương mẹ của bé khơi dậy đã lôi bé đi, không sao kìm lại được. Vậy là hai mẹ con bé Hồng đã gặp nhau trong niềm hạnh phúc. Khi này bé Hồng thấy mẹ không hề xơ xác như những gì mà bà cô miêu tả mà “Gương mặt mẹ tôi vẫn tươi sáng với đôi mắt trong, và nước da mịn làm nổi bật màu hồng của hai gò má”, người mẹ ấy trông tươi đẹp như vậy có lẽ là bởi vì: “Sự sung sướng bỗng được trông nhìn và ôm ấp cái hình hài máu mủ của mình mà mẹ tôi lại tươi đẹp như thuở còn sung túc”. Được nhìn thấy con và ôm con trong vòng tay, người mẹ dường như quên hết mọi cực nhọc, đau khổ và cả khuôn mặt đều ánh lên hạnh phúc.

Trong lúc nằm trong lòng mẹ, Hồng cảm thấy “Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường” đồng thời có sự liên tưởng kì lạ “Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trên trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng”. Đó chính là tình mẫu tử vô cùng thiêng liêng, cao quý!

Đọc đoạn trích “Trong lòng mẹ”, chúng ta cảm thấy xót xa cho tình cảnh đáng thương của bé Hồng và đồng thời cũng xúc động biết bao trước tình mẫu tử thiêng liêng cao quý.

2.3 Bài tham khảo 3: Những ngôi sao xa xôi- Lê Minh Khuê

Có lẽ không nơi đâu giống như mảnh đất Việt Nam này, từ mỗi con đường, góc phố, cánh rừng đều in đậm vẻ đẹp của những con người hiền hòa mà rất anh dũng. Nhất là trong những tháng ngày kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có biết bao con người trẻ tuổi đã khoác ba lô ra chiến trường để chiến đấu vì một lý tưởng cao đẹp là giành lại độc lập tự do cho quê hương, dân tộc mình. Rất nhiều tác phẩm văn học đã được sinh ra từ không khí hào hùng của thời đại đó. Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi được nhà văn Lê Minh Khuê viết vào năm 1971, khi cuộc chiến đấu của quân và dân ta đang ở giai đoạn cam go, ác liệt nhất. Tác phẩm được ra đời từ một ngòi bút trực tiếp tham gia công tác và chiến đấu tại tuyến đường Trường Sơn, vậy nên đã chuyển tải được sự ác liệt của bom đạn và truyện đã làm nổi bật lên vẻ đẹp tâm hồn của những con người Việt Nam trẻ tuổi, đại diện tiêu biểu chính là các nhân vật Nho, Thao và Phương Định.

Hãy xem hoàn cảnh sống và chiến đấu của các nhân vật chính trong tác phẩm này. Họ là ba cô gái cùng sống trong một cái hang dưới chân cao điểm. Nơi này có đạn bom luôn làm rung chuyển mặt đất. Công việc của ba cô gái là trinh sát mặt đường, đo khối lượng đất đá cần để lấp hố bom, phát hiện để đếm những quả bom nổ chậm, đồng thời tìm cách phá bom để bảo vệ con đường. Nơi ở thì nguy hiểm, công việc thì luôn phải đối đầu với cái chết. Bên cạnh đó, họ còn phải chịu đựng nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nhưng trong họ, ta lại cảm nhận được một tinh thần đoàn kết sâu sắc. Họ dường như kết thành một khối, có sức mạnh để có thể vượt qua tất cả.

Lê Minh Khuê đã  miêu tả từng nhân vật với những nét tính cách khác nhau. Đầu tiên là chị Thao- tiểu đội trưởng. Chị Thao xứng đáng là người chỉ huy của cả đội, bởi chị luôn rất bình tĩnh. Đối diện với tình thế càng nguy hiểm thì sự bình tĩnh đó càng lộ ra rõ rệt, "những khi biết rằng cái sắp tới sẽ không êm ả thì chị tỏ ra bình tĩnh đến phát bực". Sự bình tĩnh đó đã giúp cho việc thực hiện nhiệm vụ lúc nào cũng chính xác và hiệu quả. Ấy thế mà cô gái này lại "thấy máu, thấy vắt là chị nhắm mắt lại, mặt tái mét, áo lót của chị cái nào cũng thêu chỉ màu. Chị lại hay tỉa đôi lông mày của mình, tỉa nhỏ như cái tăm.", đó chính là vẻ đẹp mang màu sắc nữ tính của chị cả Thao. Thao điệu đà, chị thích chép những bài hát vào một cuốn sổ, nhưng trong công việc thì vô cùng táo bạo và cương quyết. Mệnh lệnh của chị Thao luôn được hai người em Nho và Phương Định tuân thủ chặt chẽ. Tính kỷ luật của tiểu đội luôn được đặt lên hàng đầu.

Khi miêu tả nhân  vật Nho, nhà văn đã để cho nhân vật xuất hiện trong cái nhìn rất thương mến của Phương Định. Đó là khi Nho đi từ dưới suối lên, cái cổ tròn, trông nhẹ "mát mẻ như một que kem". Nho có những mơ ước rất bình dị "Xong chiến tranh, sẽ xin vào một nhà máy thuỷ điện lớn. Nó làm thợ hàn, sẽ trở thành cầu thủ bóng chuyền của nhà máy. Nó sẽ đập thật giỏi. Và biết đâu lại sẽ được người ta tuyển vào đội bóng chuyền miền bắc". Vẻ đẹp của Nho giản dị như vậy đấy, nhưng mà cô gái thanh niên xung phong này có thể đảm đương những nhiệm vụ khó khăn nhất. Khi phá bom: "Nho hai quả dưới lòng đường". Khi bị thương, Nho vẫn luôn điềm tĩnh, đòi uống nước, và còn tinh nghịch trước cơn mưa đá bất chợt ào đến. Nho quả thật đáng yêu và đáng khâm phục.

Nhưng có thể nói nhân vật trung tâm mà tác giả Lê Minh Khuê miêu tả thật sâu sắc phải kế đến Phương Định, người đóng vai trò ngôi thứ nhất kể lại câu chuyện này. Về nguồn gốc xuất thân, Phương Định vốn là một cô gái gốc Hà Nội vừa rời ghế nhà trường đã xung phong ra trận, đó chính là vẻ đẹp lý tưởng ở những con người trẻ tuổi thuộc thế hệ chống Mỹ. Ngoại hình của Phương Định được miêu tả khá xinh đẹp, "nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như cái đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: "Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!".... Vẻ đẹp tươi tắn ấy của Phương Định hoàn toàn đối nghịch với khung cảnh của chiến tranh, nó khiến cho người đọc càng thêm căm ghét cuộc chiến tranh xâm lược tàn ác mà kẻ thù đã gây ra. Nhà văn đã miêu tả tính cách của Phương Định vẫn còn nhiều nét lãng mạn và tinh nghịch. Cô yêu thích ca hát: "Tôi thích nhiều bài hát, dân ca quan họ dịu dàng, dân ca Ý trữ tình giàu có". Cô cũng có sở thích ngắm nhìn mình trong gương. Dù có nhiều anh bộ đội thầm thương trộm nhớ, nhưng Phương Định cũng không kiêu căng, bởi đối với cô, các anh bộ đội chính là những con người đẹp nhất. Những cử chỉ và hành động, suy nghĩ của Phương Định cho ta thấy cô gái ấy là một con người giản dị, yêu đời, rất đỗi ngây thơ, trong sáng và có một nội tâm phong phú.

Trong truyện ngắn, tác giả Lê Minh Khuê đã khám phá ra đằng sau cái vẻ đẹp dịu dàng của Phương Định chính là một tâm hồn đầy sức mạnh và lòng dũng cảm của một người chiến sĩ. Điều này được thể hiện trong những lần Phương Định phá bom. Quả bom của kẻ thù là phương tiện tàn ác bởi nó gieo rắc cái chết, để có những con đường an toàn cho đoàn xe có thể ra trận, Phương Định và đồng đội của cô phải đối mặt với những quả bom đáng sợ đó. Lê Minh Khuê không ngại né tránh miêu tả thực tại phũ phàng trần trụi của chiến tranh. Đó là lúc Phương Định đã để lộ mình trên cao điểm, và cảm nhận được sự hiểm nguy sát ngay bên cạnh. Nhưng cũng chính vào giây phút đó, cô gái thanh niên xung phong không cảm thấy mình đơn độc, cô cảm thấy ánh mắt của các anh bộ đội đang dõi theo mình, động viên và bảo vệ. Vì thế mà Phương Định không đi khom, cô giữ nguyên tư thế hiên ngang khi đến gần quả bom. "Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi lom khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới". Tâm trạng của Phương Định khi đó thật bình tĩnh, dù rất căng thẳng. Những cử chỉ của cô khi cản phá bom rất chuẩn xác: cô cẩn thận bỏ gói thuốc nổ cạnh quả bom, khoan đất, chạy lại chỗ núp, nép người vào bức tường, nhìn đồng hồ... Những lúc như vậy, Phương Định cũng có suy nghĩ đến cái chết, nhưng với tinh thần trách nhiệm và khát khao hoàn thành nhiệm vụ mạnh mẽ hơn. Phương Định hiểu rõ được ý nghĩa việc mình làm, thế nên dù phải đối mặt với cái chết, cô vẫn chủ động, bình tĩnh, dũng cảm và luôn sẵn sàng hi sinh cho con đường ra trận được thông suốt. Đó chính là vẻ đẹp tâm hồn cao cả của Phương Định và đồng đội!

Là một cô gái thanh niên xung phong anh dũng, nhưng trái tim của Phương Định lại dịu dàng và chan chứa bao yêu thương, nhất là đối với những người đồng đội, cô luôn xem họ như ruột thịt. Khi thấy Nho bị bom vùi, Phương Định đã cuống cuồng bới đất cứu bạn, và chăm sóc Nho bằng tất cả tấm lòng người chị em gái. Đối với người chị cả Thao, Phương Định cũng hiểu rõ tính cách, sở thích và những tâm tình của chị, luôn sẵn sàng giúp đỡ và sẻ chia tâm sự. Khi nghe giọng hát rất chua của chị Thao, Phương Định cũng cảm thấy sự thân thiết và niềm động viên khi tình thế nước sôi lửa bỏng. Giống như Thao và Nho, Phương Định cũng có một tâm hồn trong sáng và nhạy cảm. Trong những ngày rời xa Hà Nội, cô nhớ da diết những hình ảnh thân thương của quê nhà, nhớ xe bán kem, nhớ cả những ngôi sao xa xôi ở trên bầu trời Hà Nội. Đó chính là những kỷ niệm đẹp đẽ mà Phương Định đã gói ghém làm hành trang khi bước vào cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc đánh Mỹ.

Có thể nói, ở cả ba cô gái này, ta có thể cảm nhận được những nét tính cách đối lập: họ vừa là người chiến sĩ dũng cảm, gan dạ, luôn sẵn sàng hi sinh cho Tổ quốc, vừa là ba cô gái có tâm hồn trong sáng, hồn nhiên, đầy nữ tính và có lòng yêu quê hương đất nước lắng sâu. Đó không chỉ là vẻ đẹp tâm hồn của riêng họ, mà còn là nét đẹp tâm hồn chung của những con người Việt Nam trẻ tuổi trong thời đại chống Mỹ cứu nước.

Lê Minh Khuê đã chọn cho mình một phong cách viết thật bình dị, cùng với ngôn từ mang đậm hơi thở của chiến tranh. Ngôi kể của truyện là nhân vật Phương Định - "tôi", thế nên lời kể thật tự nhiên và hướng trẻ trung. Có lẽ bản thân nhà văn cũng từng là một cô gái thanh niên xung phong, nên bà đã miêu tả tâm lý nhân vật rất thật và tinh tế. Từ đó, bà đã làm nổi bật lên tâm hồn trong sáng, mơ mộng cùng tinh thần dũng cảm, cuộc sống chiến đấu đầy gian khổ, hi sinh nhưng luôn hồn nhiên và lạc quan của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn đầy thử thách và khói lửa. Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi có thể được coi là một khúc ca để ca ngợi vẻ đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam.

Trên đây VUIHOC đã cùng các bạn Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học trang 37 Văn 8 tập 2 Chân trời sáng tạo. Bài viết đã hướng dẫn chi tiết giúp học sinh tiếp cận và chinh phục kỹ năng phân tích tác phẩm văn học. Để học nhiều hơn các kiến thức của các môn học thì các em hãy nhanh tay truy cập và website vuihoc.vn hoặc đăng ký khoá học với các thầy cô giáo của VUIHOC ngay bây giờ nhé!

>> Mời bạn tham khảo thêm: 

Banner after post bài viết tag lớp 8
| đánh giá
Bình luận
  • {{comment.create_date | formatDate}}

VNESCHOOL là nền tảng cung cấp các khoá học online, chất lượng cao cho học sinh tiểu học và THCS. Chúng tôi cam kết mang tới cho học sinh trải nghiệm học đầy hào hứng và hiệu quả, giúp học sinh hiểu sâu, nắm chắc chương trình học trên lớp và đạt điểm cao trong các kì thi. Đồng thời chúng tôi cung cấp công cụ báo cáo cá nhân hoá nhằm hỗ trợ phụ huynh theo dõi sát sao và hiểu được năng lực của con trong quá trình học tập.


Địa chỉ: Tầng 1, Toà nhà Rivera Park , số 69 Vũ Trọng Phụng, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Hotline: 0914890900