img
Thông báo
Sắp bắt đầu năm học mới, lớp hiện tại của bạn đang là lớp {{gradeId}}, bạn có muốn thay đổi lớp không?
img

Phân tích 9 câu đầu Đất nước

Tác giả Minh Châu 14:33 30/11/2023 392,005 Tag Lớp 12

Đất nước là một trong những tác phẩm quan trọng trong chương trình Ngữ văn 12 và dễ dàng gặp phải trong đề thi THPT Quốc Gia. Vì vậy, hãy cùng VUIHOC tham khảo dàn ý và phân tích 9 câu đầu Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm để nắm bắt được nội dung chính của 9 câu đầu tác phẩm này nhé.

Phân tích 9 câu đầu Đất nước
Mục lục bài viết
{{ section?.element?.title }}
{{ item?.title }}
Mục lục bài viết x
{{section?.element?.title}}
{{item?.title}}

1. Sơ đồ tư duy phân tích 9 câu đầu Đất nước 

Sơ đồ tư duy phân tích 9 câu đầu bài Đất nước giúp các em dễ dàng ghi nhớ và nắm bắt cách phân tích đề bài này: 

 

2. Lập dàn ý phân tích 9 câu đầu Đất nước 

2.1 Mở bài phân tích Đất nước 9 câu đầu 

- Giới thiệu khái quát, sơ lược về tác giả Nguyễn Khoa Điềm và tác phẩm “Đất nước” của ông.

2.2 Thân bài phân tích 9 câu đầu bài Đất nước 

a. Khái quát về tác phẩm, đoạn trích:

- Hoàn cảnh ra đời, văn học sử của tác phẩm, vị trí của đoạn thơ và cảm nhận chung về chín câu thơ đầu.

b. Phân tích chín câu thơ đầu:

Luận điểm 1: Câu thơ đầu tiên là câu trả lời cho câu hỏi ấy: “Khi ta lớn lên Đất Nước cũng đã có rồi”Đất nước thân thuộc, gần gũi, thân thuộc với con người

– Tác giả cảm nhận đất nước với nhiều góc nhìn khác nhau, các khía cạnh đặc biệt về văn hóa – lịch sử.

- Cụm từ “ngày xửa ngày xưa” nhắc ta nhớ về bài học ông cha ta muốn răn dạy thấm đượm tình nghĩa sâu nặng.

Luận điểm 2: Nguồn cội và hành trình đất nước “lớn lên”

– Mở đầu là phong tục ăn trầu khắc hoa hình ảnh người bà và truyền thống têm trầu thuở xa xưa. Điều này cũng biểu trưng cho tình anh em, tình nghĩa vợ chồng thủy chung.

– “cây tre”  hình ảnh biểu tượng của người nông dân Việt Nam, cần cù,chất phác, thật thà. Hai từ “Lớn lên” gợi chúng ta nhớ về quá trình trưởng thành của Tổ quốc

- "Cha mẹ, gừng cay muối mặn": biểu tượng cho tình cảm thủy chung son sắt một lòng của vợ chồng.

– "Cái kèo, cái cột, hạt gạo, xay, giã, giần, sàng": các vật thân thuộc gắn với đời sống lao động của người nông dân. 

– "Đất Nước có từ ngày đó": Đất Nước có từ khi dân mình nền văn hóa riêng, từ khi dân mình biết dựng nước và giữ nước, từ khi biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.

=> Đất nước được hình thành gắn liền với văn hóa, lối sống, phong tục tập quán, từ những gì gần gũi trong cuộc sống con người, từ bề dày của truyền thống dân tộc Việt Nam. Điều này diễn tả sự thân thương, lại rất thiêng liêng và tôn kính.

Tổng quát: Về nội dung và nghệ thuật.

2.3 Kết bài phân tích Đất nước 9 câu đầu 

- Khẳng định lại tinh thần chủ đạo của bài thơ

3. Bài phân tích 9 câu đầu Đất nước 

3.1 Phân tích Đất nước 9 câu đầu mẫu 1

Đất nước - một nguồn cảm hứng bất tận trong thi ca. Mỗi nhà thơ sẽ viết về đất nước theo cách rất riêng của mình, nếu như các nhà thơ vịn vào sự hào hoa, hào hùng của dấu ấn các triều đại thì đến với thơ của Nguyễn Khoa Điềm ông lại chọn cho mình một điểm nhìn gần gũi, đơn giả chỉ muốn miêu tả đất nước theo góc nhìn của bản thân. Và tác phẩm Đất nước là một bài thơ như vậy. Nhà thơ đã gợi cho người đọc vẻ đẹp ẩn sau lớp văn hóa, truyền thống, phong tục lâu đời của con người Việt Nam và người đọc đã đặc biệt ấn tượng với chín câu thơ đầu bài:

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó…”

Đoạn trích Đất Nước nằm phần đầu, chương thứ năm của bản trường ca “Mặt đường khát vọng”. Một tác phẩm được ông hoàn thành ở chiến khu Trị – Thiên năm 1971, in lần đầu năm 1974 với cảm xúc chủ đạo là tình yêu nước, và tự hào về những nét truyền thống về văn hóa, phong tục của đất nước mình. Qua dòng thơ của Nguyễn Khoa Điềm, chúng ta cảm tưởng như được nghe lời kể  người bà, người mẹ để hiểu về phong tục tập quán nhai trầu, về thói quen hay bới tóc của người phụ nữ nông thôn xưa,.. Tất cả hiện lên hết sức gần gũi tưởng như lời tâm sự của tác giả với người đọc để thêm hiểu và trân quý những giá trị của mảnh đất quê hương của mình.

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi”

Mở đầu bài thơ  là lời khẳng định mọc mạc, giản dị: “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi”. Đất Nước có từ “khi ta lớn lên”, Đất Nước tồn tại từ khi ta chưa ra đời, như một điều hiển nhiên, mang bao chiều sâu cội nguồn cũng như sự hình thành và phát triển từ suốt bốn ngàn năm về trước cho tới nay. Cụm từ “ngày xửa ngày xưa” chỉ khoảng thời gian xa xưa, không ấn định là từ khi nào nhưng là chủ đích để mở ra câu chuyện cổ. Câu thơ gợi cho chúng ta kỉ niệm được ngồi cạnh  bà nghe kể chuyện, là hình ảnh cô Tấm bị mẹ con Cám bắt nạt, hay thật nhiều những nhân vật hư ảo được nghe qua lời kể của bà. Chẳng cần từ ngữ cầu kỳ tác giả vẫn đưa hình ảnh đất nước, nền văn hóa dân gian của cha ông ta từ xa xưa dễ dàng chạm tới tâm hồn của người đọc. Lời thơ của Nguyễn Khoa Điềm đã đánh thức trong người đọc những mảnh ghép kí ức đẹp đẽ của một thời đại trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi người con dân đất Việt chúng ta. Hình ảnh Đất Nước trong thơ của ông gắn với các phong tục tập quán, tạo nên nét bản sắc văn hóa riêng của dân tộc Việt:

 “Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

  Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”

Hình ảnh “miếng trầu” đã được nhà thơ sử dụng để gợi lên sự tích vào loại cổ xưa nhất của người Việt Nam. “Sự tích trầu cau” theo dân gian có từ đời vua Hùng dựng nước, để ca ngợi tình vợ chồng son sắt, thủy chung, tình cảm yêu thương nhau của anh chị em trong gia đình hay kể cả trong những khúc hát giao duyên ta thường hay thấy “trầu này trầu tính trầu tình, ăn vào cho đỏ môi mình môi ta”. Chẳng chút xa lạ, gợi bao niềm thân mật, khi tác giả mượn chất liệu dân gian để đan xen vào câu thơ của mình khiến nó không chút khô khan mà trở nên mềm mại, bay bổng đến lạ thường. Hai chữ "lớn lên" để chỉ quá trình trưởng thành của đất nước. Câu thơ muốn gợi cho ta nhớ về hình ảnh cây tre và truyền thuyết "Thánh Gióng" . Trong  truyền thuyết Thánh Gióng nhổ tre đánh đuổi giặc Ân đã gây ấn tượng trong tiềm thức người dân ta bởi vẻ đẹp khỏe khoắn, tinh thần hiên ngang, bất khuất song hành với hình ảnh cây tre mang tính biểu tượng cho Việt Nam. Tre hình ảnh chẳng hề xa lạ đối với người nông dân, tre mang phẩm chất con người, thật thà, đôn hậu, là người bạn nhà nông. Tre đứng thẳng hiên ngang bất khuất cùng đồng hành với con người Việt Nam, mang bao phẩm chất của người dân Việt Nam, quyết một lòng chiến đấu cho Tổ quốc, cho dân tộc:

“Một cây chông cũng tiến công giặc Mỹ”

Bởi

“Nòi tre đâu chịu mọc cong

Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường”

Nhà thơ đã đề cập đến tập tục truyền thống của người Việt Nam qua câu thơ tiếp:

"Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn"

Người phụ nữ Việt xưa luôn gắn với hình ảnh mái tóc đen dài, mượt thướt tha, một vẻ đẹp giản dị, gần gũi và vô cùng quen thuộc. Bởi tính chất công việc trồng lúa nước, phải lội xuống ruộng nên người phụ nữ phải bới tóc cho gọn gàng, không xuề xòa, dễ dàng trồng lúa. Một vẻ đẹp giản dị nhưng mang vẻ đẹp riêng biệt không thể nhầm lẫn với các nền văn hóa khác. Từ đó, ông tiếp tục gắn dòng tư tưởng của mình với hình ảnh con người lao động và chiến đấu trên mảnh đất hình chữ S. Tình cảm gắn bó giữa người với người, quan hệ vợ và chồng, tình yêu chung thủy của họ được nói lên qua câu thơ "Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn". Nhà văn đã mượn vị mặn mà, đậm đà của muối, vị cay của gừng để nói về tình yêu thủy chung, nồng thắm, son sắt một lòng, sự gắn bó keo sơn của vợ chồng để xây dựng gia đình hạnh phúc. Đó cũng là một trong nhiều truyền thống quý báu của dân tộc ta: 

“Tay nâng chén muối đĩa gừng

Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”

(Ca dao)

Sau bao vất vả, khó khăn, gian khổ chỉ cần tấm lòng thủy chung son sắt thì dù gian nan thế nào, cơ hàn đến mức nào cũng vẫn có nhau, tình cảm vẫn bền chặt mặn mà như vị mặn nồng của muối. Chính từ thái độ sống nghĩa tình ấy đã trở thành nguồn cổ vũ tinh thần ông bà ta thời xưa và đến tận bây giờ vẫn muốn thế hệ sau này tiếp nối và phát huy nét đẹp tình nghĩa ấy. Vẻ đẹp trong truyền thống lao động cần cù, chịu thương chịu khó được tác giả tái hiện ở câu thơ dưới đây:

“Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng”

Cha ông ta từ xa xưa đã gắn liền với nền văn minh lúa nước đơn sơ với túp lều tranh nên họ lấy chính những tên gọi của vật dụng thường ngày ấy để đặt tên cho con cái. Bởi từ xa xưa, người Việt đã quan niệm đặt tên cho con càng không đẹp càng dễ nuôi. Nghe đến đây người đọc cũng cảm nhận được hóa ra là nét bình dân của người nông dân xuất phát từ những thứ đơn sơ như thế. Nghe tên đã thấy thương làm sao khi sự thiếu thốn vật chất trong đời sống thường ngày chẳng thấm thoát là bao so với tình cảm gắn bó máu thịt của nhân dân với từng vật dụng lao động, đồ vật nhỏ nhặt đồng hành trong đời sống thường ngày của những người dân chất phác ấy. NHững chất liệu dân gian được nhà thơ mượn để đưa vào những vần thơ miêu tả đất nước kết hợp lại thêm phần khẳng định, Đất nước không chỉ xuất hiện trong nét văn hóa truyền thống thường ngày của con người mà nó như đồng hành, thắm đượm vào nét văn hóa cổ truyền của dân tộc một cách đơn điệu mà rất thân thương khi chạm nhẹ được vào cảm xúc của độc giả.

Học nhanh và nhớ lâu hơn kiến thức các môn học cùng combo sổ tay hack điểm của vuihoc bạn nhé! 

Nhắc đến công việc lao động của người nông dân, người ta nhớ ngay đến hình ảnh cây lúa và hạt gạo. Cây lúa được coi là món quà vô giá, là  sự đặc ân của đất mẹ dành cho giọt mồ hôi bao đời. Ngày cây lúa đơm bông là ngày giấc mơ của người nông dân về cuộc sống ấm no, hạnh phúc đến gần hơn. Chẳng biết tự bao giờ, cây lúa gắn liền với người nông dân và từ đó cũng trở thành biểu tượng cho người nông dân Việt Nam. Thành ngữ “một nắng hai sương” cùng các động từ liên tiếp được tác giả liệt kê như “xay”, “giã”, “giần”, “sàng” gợi lên sự vất vả, nhọc nhằn, lao tâm khổ tứ của người nông dân trên ruộng đồng. Hình ảnh tưởng chừng như đơn giản, giản dị nhưng lại có giá trị to lớn gợi ra quá trình dản xuất ra hạt gạo ta ăn hàng ngày. Những hạt gạo nhỏ bé nhưng chứa đựng bao công sức, sự lam lũ, nhọc nhằn để làm ra hạt gạo, làm nên bát cơm thơm ngon. Thành quả ngọt ngào ấy không chỉ giúp người dân vươn tới cuộc sống no ấm, đủ đẩy mà nó còn giúp đất nước ta phát triển hơn. Mỗi khi nhắc tới hạt fajo người ta sẽ nhớ đến đất nước Việt Nam, một trong những nước xuất khẩu gạo lớn và được bạn bè thế giới biết tới qua hình ảnh hạt gạo đẹp đẽ đó. Từ câu thơ trên, người đọc lại nhớ về hình ảnh, quá trình làm ra hạt gạo được nhắc tới khá nhiều trong ca dao, dân ca:

“Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cà

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần"

Đọc lời thơ ta như phần nào cảm nhận được sự vất vả, nhọc nhằn, giọt mồ hôi rơi để làm nên hạt gạo, bát cơm ta ăn hằng ngày, Từ đó để thêm phần trân quý những gì ta có và trân trọng sức lao động của người nơi làng quê Việt Nam.

Câu thơ cuối đoạn khép lại, tác giả đã một lần nữa nhấn mạnh về cội nguồn của đất nước với niềm tự hào mãnh liệt nhất:

"Đất Nước có từ ngày đó"

"Ngày đó" là một từ mang tính chất phiếm chỉ về thời gian, là phép thế cho khoảng thời gian đã được đề cập trước đó, chủ ý của nhà thơ muốn nói là “ngày xửa ngày xưa”. Ngày đó dù không xác định rõ mốc thời gian nhưng ta chỉ biết rõ một điều: Đất nước của chúng ta đã tồn tại từ lâu đời. “Ngày ấy” là ngày bắt đầu của những phong tục tập quán, truyền thống đánh giặc giữ nước và cả nền văn minh lúa nước từ ngàn đời. “Ngày đó” dù không biết chính xác là ngày nào nhưng trong tâm thức con người Việt ai cũng rõ đó là ngày chúng ta biết thương nhau, biết trân trọng, nương tựa vào nhau mà sống, sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì Tổ Quốc.

Qua chín câu thơ đầu, tác giả đã cho người đọc có cái nhìn thú vị, những cảm nhận mới mẻ, sâu sắc về sự hình thành và phát triển của đất nước. Cùng với đó nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã thành công trong việc sử dụng chất chính luận kết hợp trữ tình đặc sắc. Trong đoạn thơ, tác giả cũng thật khéo léo khi sử dụng các cấu trúc thơ “Đất nước đã”, “Đất nước bắt đầu”, “Đất nước lớn lên”, “Đất nước có từ” khắc họa quá trình hình thành của đất nước từ xa xưa đã thấm nhuần trong trí óc của người dân Việt Nam từ bao đời nay. Dưới góc nhìn đa diện của Nguyễn Khoa Điểm, ngôn từ chọn lọc và sự góp mặt của các chất liệu văn học dân gian, đất nước hiện lên hết sức giản dị, tự nhiên, mộc mạc như chính đời sống thường nhật của nhân dân lao động.

Bằng cảm nhận rất giản dị, gần gũi, tác giả đã khắc họa một hình ảnh Đất Nước bình dị nhưng lại gây ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đọc. Qua lời thơ của Nguyễn Khoa Điềm chúng ta  như cảm nhận được cội nguồn dân tộc, văn hóa đang ăn sâu vào tận từng mạch hồn ta, dòng máu ta. 

>> Mời bạn xem thêm: Soạn bài Ngữ Văn 12 - Tổng hợp đầy đủ chương trình Văn 12

3.2 Bài phân tích 9 câu đầu Đất nước mẫu 2

“Đất Nước tôi thon thả giọt đàn bầu

Nghe dịu nỗi đau của mẹ.”

(Đất nước tôi – Tạ Hữu Yên)

Đất nước và mẹ - hai thứ thiêng liêng gợi lên trong lòng mỗi người con dân đất Việt những cảm xúc vô cùng khó tả, đó có thể là niềm tự hào, tình yêu thương tha thiết như không thể phai nhòa. Có thể nói, chủ đề đất nước là một trong những đề tài quen thuộc gắn với sự thành công của rất nhiều nhà thơ. Đất nước trong từng tác phẩm đều mang những phong vị rất đặc biệt và rất riêng. Một trong các tác phẩm tiêu biểu và để lại nhiều dấu ấn trong lòng người đọc không thể không nhắc đến bài thơ Đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Với hình tượng chủ đạo của bài thơ là hình ảnh đất nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã nói tư tưởng của mình trong hành trình về cội nguồn mà đất nước mà đặc biệt qua đoạn thơ:

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể

Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đất Nước có từ ngày đó…”

Ông là cây bút trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.  Thơ ông thu hút người đọc bởi sự kết hợp hài hòa giữa suy tư và cảm xúc của người trí thức về đất nước và con người Việt Nam. Đất nước là một trong các tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Khoa Điềm. Đất nước là bài thơ được trích từ chương thứ năm của trường ca “Mặt đường khát vọng” được hoàn thành ở chiến trường Bình Trị Thiên năm 1971. Đoạn thơ trên nằm ở khổ thơ đầu của tác phẩm Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm. Hình ảnh đất nước trong đoạn thơ đầu hiện lên muôn hình vạn trạng, sinh động lạ thường, hiện lên với nét đẹp về phong tục, tập quán, văn hóa mang dấu ấn con người Việt.

Bằng giọng thơ thủ thỉ tâm tình, nhà thơ dần thổ lộ tâm tư trong mình:

“ Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể”

Câu thơ mở đầu tự nhiên như một lời kể, nhà thơ mượn kí ức tuổi thơ để khẳng định trực tiếp rằng Đất nước này đã tồn tại từ hàng ngàn năm trước, nơi con người sinh ra và lớn lên. “Đất Nước đã có từ rất lâu, từ khi mà “ta” cất lên tiếng khóc chào đời, lớn lên cùng với chính “ta”. Năm chữ “Đất Nước đã có rồi” với giọng điệu tràn đầy sự tự hào,giống như một lời khẳng định về sự trường tồn của Tổ quốc. Đất Nước được coi như Trời với Đất, Đất nước như kết tinh hoa văn hóa của đất Việt. Cũng như vậy, không biết Đất Nước có tự bao giờ nhưng khi ta lớn lên ta đã thấy Đất Nước của mình rồi, nó hiện diện quanh ta với những gì yêu thương nhất. Từ lời hát mẹ ru, từ những câu chuyện “ngày xửa ngày xưa” mà mẹ kể đã nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta, lâu dần những điều đó trở thành món ăn tinh thần, một miền khí ích khó thể phai nhòa trong ký ức của những đứa trẻ ấy. Cùng quan điểm ấy, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cũng đã viết:

“Chỉ còn truyện cổ thiết tha

Cho tôi nhận mặt ông cha của mình”

(Truyện cổ nước mình – Lâm Thị Mỹ Dạ)

Đến hai câu tiếp theo, Nguyễn Khoa Điềm diễn tả cụ thể sự hình thành của Đất nước: 

“Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn

Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”

Hình ảnh “miếng trầu bà ăn” được tác giả sử dụng để nhắc ta nhớ về về truyền thống tốt đẹp của dân tộc gắn liền với vẻ đẹp của những người phụ nữ Việt xưa. “Miếng trầu bà ăn” chính là biểu tượng về tình nghĩa vợ chồng, tình cảm anh em gắn bó. Cũng từ đó, “miếng trầu” tượng trưng cho sự thủy chung son sắc, người ta coi miếng trầu là sự mở đầu câu chuyện. ”Miếng trầu” có thể coi như là một sợi dây vô hình kết nối giữa văn hóa, truyền thống với thói quen của con người.Từ nét đẹp ấy, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã mượn chất liệu văn học dân gian ẩn ý về một thời kì từ xa xưa nhưng cứ ngỡ như hiện diện ngay ở hiện tại một cách tròn đầy. Câu thơ như muốn khẳng định chắc nịch rằng là dù có là ngày xưa hay ngày nay, cuộc sống hôm nay vẫn hiện hữu vẹn nguyên như bóng dáng ngày hôm qua.

Cứ thế, thời gian thấm thoát thoi đưa, “Đất Nước” cùng lớn lên với lũy tre xanh nơi làng quê. Tre chẳng tự thuở nào đã gắn bó sâu sắc với làng quê Việt Nam, đi tốn bao giấy mực của các nhà thơ, nhà văn:

“Tre xanh xanh tự bao giờ

Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh”

                        (Tre Việt Nam - Nguyễn Duy)

Đất nước cứ lặng lẽ, âm thầm, lớn lên, đồng hành với “dân mình”. Nghe hai tiếng “dân mình” sao lại gần gũi, dễ thương đến thế, bởi lẽ “dân mình” cùng chung bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ, đều mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, cùng một gốc gác, cội nguồn, cùng gọi nhau hai tiếng “đồng bào”. Nếu như vế trước câu thơ dậy lên trong lòng ta những cảm xúc khó tả thì nửa sau câu thơ gợi nhớ ta về hình ảnh chàng Thánh Gióng trong truyền thuyết nhổ tre mà đánh đuổi giặc. Cây tre - một hình ảnh biểu tượng cho người nông dân Việt Nam, mang đầy đủ những phẩm chất: hiền lành, cần cù, chất phác và đặc biệt rất kiên cường bất khuất. Để từ đó cho thấy đây chính là từng bước đi lên trưởng thành của một dân tộc, của một đất nước con người ý thức được về đất nước, về sự tồn tại của đất nước và ý thức về việc phải có trách nghiệm bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ bờ cõi đất nước.

Câu chuyện về Đất Nước còn hiện lên qua đời sống sinh hoạt thường ngày, thói quen hình thành từ lao động:

“Tóc mẹ thì bới sau đầu

Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng”

Bằng lời thơ ấm áp, yêu thương, nhà thơ lại tiếp tục những vần thơ tuyệt đẹp để viết về những hình ảnh vô cùng gần gũi với con người chúng ta. Hình ảnh mẹ được nhà thơ nhắc tới trong bài thơ, là hiện thân của hơi ấm và tình yêu thương dạt dào khiến người đọc không khỏi xúc động, bồi hồi. Hình ảnh tóc mẹ được bới sau đầu cũng giống như những người phụ nữ khác thời bấy giờ. Đó là một vẻ đẹp, nét đẹp truyền thống trong văn hóa cổ xưa. Từ tính đặc thù công việc đồng áng và khí hậu nóng nực của nước ta nên việc bới tóc của người phụ nữ đã dần trở thành thói quen hàng ngày.

Thành ngữ “gừng cay muối mặn” được tác giả sử dụng một cách vô cùng độc đáo, nhẹ nhàng mà thấm đẫm ý nghĩa của câu thơ. Gừng thì tất nhiên phải cay, muối tất nhiên phải mặn, như một lời răn dạy về đạo vợ chồng trăm năm như gừng, như muối, dạy con người ta sống có nghĩa có tình một đời không đổi cũng chẳng thay:

“Muối ba năm muối đang còn mặn

Gừng chín tháng gừng hãy còn cay

Đôi ta nghĩa nặng tình dày

Dẫu có xa nhau cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”

Như một lời thủ thỉ tâm tình, nhà thơ còn gợi lên một truyền thống khi đặt tên cho con của dân tộc ta:“ Cái kèo cái cột thành tên”. Câu thơ nhắc chúng ta nhớ đến tập tục đặt tên con cháu của ông bà ta thời xa xưa. Chẳng cầu kỳ bóng bẩy, không cần vay mượn đâu xa, người nông dân chất phác ấy lấy những vật gần gũi xung quanh mình như “cái kèo, cái cột” để đặt tên cho con cháu của mình. Cái tên có thể không đẹp nhưng với mong ước bảo vệ con, mong cho con một đời an yên, dễ dàng nuôi dạy con khôn lớn đã được truyền lại từ đời này sang đời khác. Đến với câu thơ tiếp theo, thành ngữ “một nắng hai sương” xuất hiện nhằm để chỉ cần cù chăm chỉ của cha ông ta những ngày long đong lận đận trong đời sống nông nghiệp. Các động từ “xay”, “giã”, “dần”, “sàng” là các động từ mạnh để miêu tả các công đoạn, quá trình sản xuất và làm ra hạt gạo. Thấm vào trong hạt gạo nhỏ bé ấy là vị mặn giọt mồ hôi của người nông dân vất vả dầm mưa dãi nắng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Tác giả Nguyễn Khoa Điềm cũng  muốn qua đây gợi sự lam lũ , vất vả của người dân để làm ra hạt gạo và để nhắc ta học cách trân trọng hạt cơm ta ăn hàng ngày.

Khép lại đoạn thơ đầu, tác giả đã viết:

“ Đất Nước có từ ngày đó…”

Từ “đó” mang thanh âm của những ngày xa xôi vọng về. Hai tiếng “ngày đó” gợi lên cảm nhận về khoảng thời gian trải dài, từ rất lâu đời, cùng với dấu ba chấm “…”, Giọng thơ trầm lắng, tha thiết và sâu lắng hơn. “Ngày đó” là cái ngày còn được nghe kể về những câu chuyện cổ tích, khi có các tập tục ăn trầu, khi con người biết yêu thương nhau. Vì thế, nếu thực sự yêu nước hãy yêu luôn cả truyền thống và văn hóa của dân tộc đó. Điệp từ “Đất nước” lặp đi lặp lại trong xuyên suốt đoạn thơ, cũng phần nào thể hiện tình cảm, tấm lòng thành kính của tác giả dành cho đất nước. 

Qua chín câu thơ đầu bài thơ Đất nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã khắc họa một bức tranh về đất nước theo cách riêng của bản thân mình. Nhà thơ bình dị hóa đất nước, hóa thân vào làng quê, vào tập tục, truyền thống văn hóa, hay kể cả vào ngay chính vào cuộc sống hàng ngày của con người. Đất nước trong ông đã hiện lên ngay trước mắt người đọc qua cách nhìn bằng các giác quan khác nhau. Dưới ngòi bút tài hoa, thật tài tình khi tác giả khéo léo mượn những chất liệu văn hóa dân gian như phong tục ăn trầu, tục búi tóc, truyền thống đánh giặc, truyền thống nông nghiệp để vẽ nên bức tranh thi cảnh về đất nước. Ngôn ngữ mộc mạc, lời thơ nhẹ nhàng đúng giọng thủ thỉ tâm tình nhưng vẫn giữ nguyên ý nghĩa cốt lõi của nó. 

Đoạn thơ cho người đọc mở mang tầm mắt về quá trình hình thành Đất Nước dưới góc nhìn rộng mở của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Để thấy được rằng, là thế hệ trẻ hôm nay biết và am hiểu nhiều hơn về đời sống văn hoá, phong tục, tập quán của nhân dân. Đất Nước chính là hiện thân của đời sống đấu tranh và lao động, là tiếng lòng nhân dân, là lời ca ngợi lối sống nghĩa tình, đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Lộ trình học tập và ôn thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia cá nhân hóa chỉ có trong khóa học PAS THPT duy nhất! 

PAS VUIHOCGIẢI PHÁP ÔN LUYỆN CÁ NHÂN HÓA

Khóa học online ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT:  

⭐ Xây dựng lộ trình học từ mất gốc đến 27+  

⭐ Chọn thầy cô, lớp, môn học theo sở thích  

⭐ Tương tác trực tiếp hai chiều cùng thầy cô  

⭐ Học đi học lại đến khi nào hiểu bài thì thôi

⭐ Rèn tips tricks giúp tăng tốc thời gian làm đề

⭐ Tặng full bộ tài liệu độc quyền trong quá trình học tập

Đăng ký học thử miễn phí ngay!!

 

Qua bài viết này, VUIHOC đã cung cấp cho các em dàn ý và bài phân tích 9 câu đầu Đất Nước một cách chi tiết và đầy đủ nhất. Hi vọng rằng có thể giúp các em hiểu rõ hơn về ý nghĩa mà tác phẩm tuyệt vời này đem lại. Chúc các em học tốt. Ngoài ra, để học thêm nhiều hơn các kiến thức về môn ngữ văn cũng như của các môn học khác thì các em hãy nhanh tay truy cập vào website vuihoc.vn hoặc đăng ký khoá học với các thầy cô giáo của VUIHOC ngay bây giờ nhé!

>> Mời các bạn xem chi tiết: 

 

 

 

Banner afterpost tag lớp 12
| đánh giá
Bình luận
  • {{comment.create_date | formatDate}}

VNESCHOOL là nền tảng cung cấp các khoá học online, chất lượng cao cho học sinh tiểu học và THCS. Chúng tôi cam kết mang tới cho học sinh trải nghiệm học đầy hào hứng và hiệu quả, giúp học sinh hiểu sâu, nắm chắc chương trình học trên lớp và đạt điểm cao trong các kì thi. Đồng thời chúng tôi cung cấp công cụ báo cáo cá nhân hoá nhằm hỗ trợ phụ huynh theo dõi sát sao và hiểu được năng lực của con trong quá trình học tập.


Địa chỉ: Tầng 1, Toà nhà Rivera Park , số 69 Vũ Trọng Phụng, Phường Thanh Xuân Trung, Quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Hotline: 0963345212